Dải bờ biển vùng Đông của Quảng Nam sở hữu tiềm năng lớn để thúc đẩy du lịch biển, nhưng “hệ sinh thái” điểm đến khu vực này còn rời rạc, chủ yếu tập trung ở điểm đến tư nhân.

Những dự án du lịch lớn đầu tư vào vùng Đông thời gian qua giúp khu vực này bước đầu có dáng dấp của một trung tâm du lịch biển. Trong ảnh: Khu phức hợp Hoiana (huyện Duy Xuyên). Ảnh: Quốc Tuấn
Dáng dấp một trung tâm du lịch biển lớn
Ngoại trừ khu vực biển Điện Bàn, Hội An đã tiếp cận du lịch từ khá sớm, dải bờ biển vùng Đông Quảng Nam bắt đầu từ phía nam cửa biển Cửa Đại vào đến Núi Thành chỉ thực sự “thức giấc” khi có cầu Cửa Đại bắc qua vào năm 2016.
Qua gần một thập kỷ phát triển, dải bờ biển vùng Đông Quảng Nam đã trở thành “miền đất hứa” với các dự án du lịch tầm cỡ. Có thể kể đến các khu lưu trú đạt chuẩn 5 sao gồm: Hoiana (Duy Xuyên), Vinpearl Resort & Golf Nam Hội An (Thăng Bình), Bliss Hội An Beach Resort & Wellness (Thăng Bình), Robinson Nam Hội An (Núi Thành).
Đáng chú ý, khu vực này hiện có 2 sân golf, có tổ hợp giải trí Vinwonders Nam Hội An hay casino tại Hoiana, đây là nền tảng thuận lợi để thúc đẩy du lịch cao cấp, thu hút các dòng khách có chi tiêu cao, nâng tầm du lịch địa phương.
Ông Nguyễn Vĩnh Trân - Tổng Giám đốc Phát triển dự án của Hoiana cho hay, trong năm 2024 sân golf của Hoiana gần như vận hành hết công suất, một số thời điểm không còn lịch trống để phục vụ khách. Do đó, Hoiana đang xúc tiến sớm phát triển thêm một sân golf nữa trong khu vực dự án (phía tây đường Võ Chí Công) đồng thời xây dựng một trung tâm hội nghị để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của du khách.
Tại một hội nghị về quy hoạch Quảng Nam, ông Trần Trọng Kiên - Chủ tịch Tập đoàn Thiên Minh (chủ đầu tư Robinson Nam Hội An) cho rằng, dải bờ biển từ phía nam cầu Cửa Đại đến Tam Tiến sẽ sớm trở thành trung tâm mới về nghỉ dưỡng cao cấp ở Việt Nam.
Hiếm có khu vực nào ở nước ta, thậm chí là ở các nước khác, hội tụ bờ biển đẹp, thoai thoải, khí hậu tương đối ổn định kết hợp với hàng loạt di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Nếu có quy hoạch, phát triển phù hợp, trong tương lai gần khu vực này sẽ kết hợp cùng với Hội An - Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm du lịch cao cấp hàng đầu của khu vực Đông Nam Á và cả châu Á.
Cần sự kết nối với du lịch cộng đồng
Bên cạnh việc là “bến đỗ” cho các dự án du lịch quy mô lớn, vùng Đông Quảng Nam còn có hệ thống giá trị tài nguyên du lịch rất lớn cấu thành từ thiên nhiên và văn hóa địa phương.

Điểm du lịch cộng đồng Cửa Khe (huyện Thăng Bình) nằm gần một số khu du lịch - giải trí lớn, nếu kết nối được một phần lượng khách từ các khu này thì hoạt động du lịch sẽ rất phát triển. Ảnh: Quốc Tuấn
Một số khu vực ở vùng Đông đã được Sở VHTTDL đưa vào danh mục điểm, làng du lịch nông thôn như: làng nghệ thuật cộng đồng Tam Thanh (TP.Tam Kỳ), làng du lịch cộng đồng Cửa Khe (Thăng Bình), xã đảo Tam Hải (Núi Thành)…
Trong quy hoạch địa phương, một số làng biển ở Bình Minh (Thăng Bình) hay Tam Tiến (Núi Thành)… cũng đã được chính quyền hoạch định bảo tồn để thúc đẩy du lịch cộng đồng.
Thời gian qua, một số dự án du lịch xúc tiến đầu tư vào đô thị mới Duy Hải - Duy Nghĩa cũng nêu bật việc bảo tồn lại không gian làng biển, hài hòa trong khu du lịch để thúc đẩy du lịch cộng đồng như dự án Khu du lịch sinh thái kết nối cộng đồng tại xã Duy Hải; Khu nghỉ dưỡng Trung Phường…
Những hoạt động khám phá quy trình chế biến sản phẩm làng nghề, kéo lưới rùng, câu cùng ngư dân… sẽ là các trải nghiệm giá trị nếu lồng ghép vào tour tuyến du lịch. Từ sau dịch COVID-19, lượng du khách đến các khu phức hợp giải trí, khu nghỉ dưỡng ở ven biển vùng Đông ngày càng lớn; tuy nhiên đáng tiếc là hầu như chưa có sự kết nối, trải nghiệm với cộng đồng.
Ông Võ Nguyên Tùng - đại diện HTX Du lịch cộng đồng làng Cửa Khe (xã Bình Dương, Thăng Bình) cho rằng: “Điểm đến Cửa Khe ở rất gần khu giải trí Vinwonders Nam Hội An hàng ngày đón lượng khách rất lớn, chỉ cần có giải pháp kết nối và thu hút được phần nhỏ lượng khách này trải nghiệm điểm đến làng Cửa Khe thôi là đã có thể giúp hoạt động du lịch của làng phát triển bền vững”.
Hay như chợ cá Tam Tiến nằm ngay cạnh Robinson Nam Hội An. Hình ảnh đầy sắc màu từ hoạt động của khu chợ này thời gian qua khá nổi tiếng với du khách khắp nơi nhưng cũng có rất ít sự kết nối để xây dựng, mở rộng tour tuyến, sản phẩm gắn với giá trị bản địa.
Theo PGS-TS. Hoàng Mạnh Nguyên - Chủ tịch Viện Khoa học công nghệ đô thị xanh, những năm qua Quảng Nam phát triển theo hướng kinh tế du lịch biển, đó là hướng đi đúng nhưng chưa đủ.
Ở nước ta đã có những bài học về việc mối quan hệ được xem hữu cơ với người địa phương bị cắt đứt. Do đó, các dự án du lịch lớn ven biển cần “cộng sinh” với yếu tố địa phương cũng là cách để giữ lại những bản sắc đô thị đặc trưng; đồng thời giúp hoạt động du lịch phát triển bền vững, phân phối hài hòa lợi ích cho cộng đồng.
Quốc Tuấn